Trang chủ > Chọn kính phù hợp cho bé năng động

Chọn kính phù hợp cho bé năng động

 

Chọn mua kính cho trẻ em không dễ, đặc biệt là những bé năng động. Bởi ngoài việc quan tâm đến chất lượng tròng kính , thì chất liệu gọng kính cũng vô cùng quan trọng. Để cặp kính có thể đồng hành lâu hơn với những đứa trẻ năng động, chúng ta có thể tham khảo những gợi ý sau:

1. Chọn kính đúng chỉ định của bác sỹ

Chọn mua một chiếc kính phù hợp sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái trong học tập và sinh hoạt hằng ngày, đồng thời, bảo vệ đôi mắt trước nguy cơ chấn thương và các yếu tố môi trường có hại cho mắt. Trước khi mua cho trẻ một cặp kính mới trẻ cần được khám mắt tổng quát tại các cơ sở uy tín, xác định chính xác tình trạng mắt và có được đơn kính chuẩn.

2. Chất lượng tròng kính

Tròng kính trẻ em nên được làm từ polycarbonate hoặc trivex. Đây là những là những chất liệu có độ bền và khả năng chống va đập cao hơn rất nhiều so với những loại tròng khác. Tránh chọn tròng thủy tinh cho trẻ vì chúng rất nặng và dễ vỡ, tránh chọn tròng nhựa vì chúng nhanh mờ, dễ trầy xước.

3. Chất liệu gọng kính

Trước đây, gọng nhựa là lựa chọn tốt nhất với trẻ em bởi độ bền, nhẹ và chi phí hợp lý. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, các nhà sản xuất ngày nay đã tạo ra cả những chiếc gọng kim loại có cả những ưu điểm của gọng nhựa. Tuy nhiên, phụ huynh cần đảm bảo rằng trẻ không dị ứng với niken trong gọng kim loại. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh nên lựa chọn gọng có càng kính bao lấy phía sau vành tai hoặc kèm dây đeo giúp kính khỏi bị rơi khi trẻ vận động.

4. Thiết kế bắt mắt

Hầu hết trẻ em đều cảm thấy khó chịu khi đeo kính. Phụ huynh nên để trẻ tham gia vào quá trình chọn kính. Việc chọn một chiếc gọng với thiết kế hiện đại, nhiều màu sắc, phù hợp với sở thích của trẻ sẽ giúp bé cảm thấy thích thú với việc đeo kính.

5. Cầu mũi vừa vặn

Vì sống mũi của trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển hoàn thiện và thường rất thấp, vì thế gọng kính không có chỗ dựa vào và dễ dàng trượt xuống. Trong trường hợp này, gọng kim loại lại vượt trội hơn gọng nhựa vì miếng đệm mũi có khả năng điều chỉnh thay vì cố định, phù hợp với mọi khuôn mặt. Gọng kính nên được đeo thử trước khi mua để đảm bảo phù hợp với sóng mũi của người đeo. Nếu có bất kỳ khoảng hở nào giữa cầu mũi kính và mũi người đeo, trọng lượng của tròng kính sẽ làm gọng bị trượt xuống dù gọng có vừa với khuôn mặt ra sao.

6. Kính dự phòng

Trẻ em đôi lúc vẫn chưa biết giữ gìn cặp kính của chúng, vì thế tốt nhất nên có thêm một cặp kính dự phòng - đặc biệt nếu đứa trẻ có độ kính cao và không thể sinh hoạt nếu không có kính.

Trong trường hợp độ kính của trẻ không thay đổi nhiều giữa mỗi lần khám mắt, hãy giữ lại cặp kính cũ của trẻ vì chúng có thể được sử dụng tạm thời nếu trẻ bị mất hay gãy kính và chưa kịp thay cái khác.

Bình luận

0972 200 919